Trong lịch sử Đoàn_Dự

Đoàn Dự là người dân tộc Bạch[1], không có dữ liệu chắc chắn về năm sinh năm mất. Theo truyền thống dòng họ, phụ vương ông là Đoàn Chính Thuần thoái vị nhường ngôi cho ông và xuất gia làm sư năm 1108. Đoàn Dự kế vị và trở thành vị quân chủ thứ hai của Đại Lý kể từ sau sự kiện Cao Thái Minh trả ngôi cho họ Đoàn.

Bấy giờ, thế lực họ Cao vẫn còn rất mạnh, thường xuyên gây rối loạn. Sau khi lên ngôi, Đoàn Dự mới dần dần cải thiện cục diện chuyên quyền của các bè đảng của họ Cao chuyên quyền.[2]

Năm 1110, nổ ra cuộc bạo loạn của 37 bộ tộc thiểu số ở Điền Đông (nay thuộc Côn Minh). Tướng quốc Cao Thái Minh thống lĩnh quân binh dập tắt được cuộc bạo loạn, giao lại cho con trai thứ 4 là Cao Minh Thanh kế thừa tướng vị Thiện Xiển hầu trấn thủ[3]. Cao Thái Minh sinh được 8 người con trai, trong đó có Cao Trí Xương vì phạm tội nên bị lưu đày mà chết. Bộ hạ của Cao Trí Xương dự định mưu sát Đoàn Dự lúc tế lễ để báo thù. Tuy nhiên, âm mưu bại lộ, Đoàn Dự vì nể gia tộc họ Cao từng trả ngôi lại cho họ Đoàn, nên xá miễn tội cho.[4]

Năm 1117, Đoàn Dự được Tống Huy Tông phong tước Kim tử Quang lộc Đại phu, Kiểm hiệu Tư không, Vân Nam Tiết độ sứ, Thượng trụ quốc, được kế thừa ngôi vị Đại Lý Quốc vương của thân phụ.[5]

Năm 1119, 37 bộ tộc thiểu số ở Điền Đông lại nổi dậy. Cuộc bạo loạn tuy được dập tắt nhanh chóng, nhưng Thiện Xiển hầu Cao Minh Thanh cũng bị tử trận. Triều đình Đại Lý bèn tôn lập cháu của Cao Thăng Thái là Cao Lương Thành, một người có tiếng là hiền đức, làm Tể tướng, hiệu Trung Quốc công.[4]

Năm 1147, một lần nữa 37 bộ tộc Điền Đông lại nổi dậy[6]. Cũng trong năm này, Đoàn Dự thoái vị và xuất gia làm sư. Ông là vị quân chủ Đại Lý tại vị lâu nhất trong 39 năm. Con trai ông là Đoàn Chính Hưng kế vị ngôi vua Đại Lý. Sau khi ông mất, được truy phong miếu hiệuHiến Tông, thụy hiệu Tuyên Nhân Đế.

Các niên hiệu của Đoàn Chính Nghiêm:

  • Nhật Tân (1108-1109)
  • Văn Trì (1110-1121)
  • Vĩnh Gia (1122-1128)
  • Bảo Thiên (1129-1136)
  • Quảng Ứng (1137-1147)